Bá chủ chư hầu Tấn (nước)

Mở rộng lãnh thổ

Giản đồ các nước lớn thời Xuân Thu
  Tấn (晋)
  Đất do thiên tử nhà Chu cai quản

Từ thời Tấn Hiến công, nước Tấn đã phát triển thế lực nước Tấn ra xung quanh, đánh chiếm nước Hoắc, nước Cảnh, nước Nguỵ[4].

Sau đó, Hiến công lại thù nước Quắc trước khi thường theo lệnh nhà Chu đánh lại các tổ tiên Trang Bá Thiện và Tấn Vũ Công khi lực lượng Khúc Ốc tiến vào tranh ngôi, nên quyết chí đánh Quắc.

Năm 654 TCN, Hiến công bèn mượn đường nước Ngu đánh úp nước Quắc, nhưng sau khi diệt Quắc lại chiếm luôn nước Ngu. Nước Ngu không nghe lời can của nước Quắc, tham của hối lộ của nước Tấn nên cả hai cùng bị diệt.

Về cơ bản đến thời Tấn Hiến công, nước Tấn đã được mở rộng và trở thành nước mạnh. Trong khi nước Tấn phát triển ở Sơn Tây thì nước Tề đã làm bá chủ chư hầu dưới thời Tề Hoàn công. Khi đó nước Tấn lại gặp nội loạn nhiều nên không gây được nhiều ảnh hưởng với các nước chư hầu Trung Nguyên.

Giành ngôi bá chủ

Xem chi tiết: Trận Thành Bộc

Từ năm 643 TCN, bá chủ Tề Hoàn Công qua đời, nước Tề cũng rơi vào tranh chấp quyền lực giữa những người nối ngôi nên mất địa vị bá chủ. Tống Tương công cùng Sở Thành vương nổi lên tranh chấp nhau quyền làm bá, nước Sở thắng thế một thời gian.

Khi Tấn Văn Công lên ngôi, trong nước yên ổn nên quyết định gây ảnh hưởng ra ngoài. Đầu tiên, Văn công mang quân giúp thiên tử nhà Chu bị em là vương tử Đái tranh ngôi. Văn công mang quân sang giết Đái và phò vua Chu Huệ Vương trở lại ngôi vua. Từ đó Tấn Văn công bắt đầu có uy tín với vua Chu và chư hầu.

Năm 632 TCN, Văn công đi đánh nước Tàonước Vệ để báo thù việc gây khó khăn trong thời gian đi lưu lạc. Cùng lúc đó nước Sở cũng mang quân đánh nước Tống là phe cánh của Tấn. Trong khi Tấn đã chiếm được Tào và Vệ thì Sở mới đang vây nước Tống.

Sau đó hai bên dàn quân đánh nhau một trận to ở Thành Bộc. Đó chính là trận Thành Bộc nổi tiếng thời Xuân Thu. Quân Tấn dưới sự chỉ huy của Tiên Chẩn đánh bại quân Sở dưới quyền chỉ huy của Thành Đắc Thần.

Tấn trở thành nước mạnh nhất trong các chư hầu. Sau khi đánh bại chư hầu lớn là nước Sở cứu nước Tống, trả lại nước cho vua Vệ và vua Tào, Tấn Văn công hội chư hầu ở đất Ôn; sau đó lại cùng các chư hầu hội kiến thiên tử nhà Chu ở đất Tiên Thổ. Từ đó Văn Công chính thức trở thành bá chủ chư hầu.

Giữ ngôi bá chủ

Năm 628 TCN, Tấn Văn Công mất, thọ 68 tuổi, thế tử Hoan lên thay, tức là Tấn Tương Công. Tương Công 2 lần đánh bại các cuộc xâm lấn của nước Tần do Tần Mục Công phát động, chặn đường sang đông của nước Tần, giữ vững bờ cõi nước Tấn và ngôi vị bá chủ.

Đến các đời vua sau, tuy thế lực có lúc giảm sút nhưng nhìn đại thể nước Tấn vẫn giữ được ngôi bá chủ. Năm 600, Tấn Thành công lại họp chư hầu ở đất Hỗ.

Đến thời Tấn Cảnh côngTấn Lệ công, nước Tấn tuy vẫn là nước mạnh nhưng không có vua giỏi, bị Sở Trang vương giành ngôi bá. Sau khi Trang vương chết (591 TCN), nước Sở và nước Tấn cùng tranh giành ảnh hưởng trong các chư hầu. Một số ngả theo Sở, một số nhiều hơn ngả theo Tấn và trên danh nghĩa, Tấn vẫn nắm ngôi vị bá chủ.

Năm 572 TCN, Tấn Điệu công lên ngôi đánh bại các chư hầu TầnTrịnh, lại hội chư hầu. Sau khi Tấn Điệu công mất (558 TCN), trong gần 100 năm, dù thực lực không được như thời Văn công, Tương công và Điệu Công, các vua Bình công, Chiêu công, Khoảnh công, Định công vẫn duy trì ngôi vị trên danh nghĩa. Khi nước Sái oán nước Sở ức hiếp, kêu cứu nước Tấn, vua Tấn Định công vẫn hội được 18 nước chư hầu để luận tội nước Sở.

Trong khoảng thời gian đó, sở dĩ Tấn vẫn duy trì tương đối được ngôi vị của mình do các nước cạnh tranh trực tiếp là Sở và Tề cũng không có vị vua nào đủ tài năng để tranh giành. Tề Cảnh công là vua giỏi nhưng chưa đạt tới được uy thế như Tề Hoàn công để đoạt ngôi bá của nước Tấn.